Viêm Khớp Dạng Thấp Là Gì?
Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis – RA) là một bệnh tự miễn dịch mãn tính, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công chính mình, cụ thể là hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp và màng hoạt dịch của khớp, thậm chí những tế bào miễn dịch này còn tấn công vào những màng có cấu trúc tương tự ở mạch máu, tim và phổi. Những sự tấn công sai mục đích vào chính những mô khỏe mạnh của cơ thể gây viêm và tổn thương lên xương khớp và gây đau đớn, nghiêm trọng hơn là chúng còn có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim. Riêng đối với hệ xương khớp, tình trạng viêm mãn tính kéo dài có thể dẫn đến hủy hoại sụn khớp và xương, gây đau và mất chức năng khớp.
Ở các khớp bị ảnh hưởng bởi viêm khớp dạng thấp, cả màng hoạt dịch và chất lỏng mà nó tiết ra đều bị các tế bào bạch cầu xâm nhập. Thông thường, những tế bào bạch cầu đóng vai trò bảo vệ cơ thể khỏi những tế bào ngoại lai xâm nhập vào cơ thể như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chính sự tấn công sai đích (tự tấn công chính tế bào khỏe mạnh của cơ thể) là nguyên nhân gây ra những bệnh lý khác cho cơ thể, cụ thể ở đây là viêm và đau khớp. Viêm khớp dạng thấp có một số đặc điểm sau:
- Viêm mãn tính ở lớp màng khớp gây đau đớn và sưng tấy.
- Không thể chữa lành, tuy nhiên, nếu phát hiện sớm thì có thể tác động để làm chậm lại quá trình tiến triển bệnh.
- Bệnh thường bắt đầu ở những khớp nhỏ ở ngón tay và ngón chân, sau đó có thể tiển triển và anh hưởng đến bao gân và các túi hoạt dịch.
- Gây suy giảm chức năng ở những khớp bị viêm.
- Viêm khớp dạng thấp có thể được phát hiện ở bất kỳ độ tuổi nào. Bệnh được phát hiện nhiều nhất ở giai đoạn từ tuổi 30 đến 50.
- Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới. (thật là thiệt thòi cho phụ nữ tụi mình quá!)
Nguyên Nhân
Nguyên nhân chính xác của viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng các yếu tố sau đây có thể đóng vai trò:
- Yếu tố di truyền: Người có tiền sử gia đình mắc bệnh có nguy cơ cao hơn.
- Hệ thống miễn dịch: Sự rối loạn của hệ thống miễn dịch dẫn đến tấn công vào các mô khớp.
- Yếu tố môi trường: Một số yếu tố như hút thuốc lá, nhiễm trùng, và các yếu tố môi trường khác có thể góp phần khởi phát bệnh.
- Giới tính và tuổi tác: Phụ nữ và người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Triệu Chứng
- Đau và sưng khớp: Đặc biệt là ở các khớp nhỏ bị viêm của bàn tay và bàn chân. Những khớp bị viêm khá nhạy cảm dưới áp lực.
- Cứng khớp buổi sáng: Kéo dài từ 30 phút đến hàng tiếng đồng hồ.
- Mệt mỏi và sốt nhẹ: Cảm giác mệt mỏi toàn thân và có thể kèm theo sốt nhẹ. Đổ mồ hôi đêm và giảm cân.
- Khó vận động: Giảm phạm vi chuyển động của khớp bị ảnh hưởng.
- Nốt thấp khớp dưới da: khoảng 20% bệnh nhân có xuất hiện những nốt thấp khớp ở dưới da nơi khớp bị viêm, đặc biệt ở ngón tay và khuỷu tay.
- Sự lây lan: về lâu dài, viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến những khớp lớn khác trong cơ thể, hệ mô và các cơ quan nội tạng.
Chống Chỉ Định Đối Với Bệnh Viêm Khớp Dạng Thấp Khi Thực Hành Yoga
Khi thực hành yoga, người bị viêm khớp dạng thấp cần lưu ý các chống chỉ định sau:
- Tránh các tư thế gây áp lực lên khớp: Các tư thế đòi hỏi chịu trọng lượng trên các khớp bị viêm nên được tránh, chú ý tránh giữ lâu những tư thế mà tạo nhiều áp lực lên khớp bị viêm.
- Tránh các động tác đột ngột hoặc mạnh: Các động tác đột ngột hoặc căng mạnh có thể gây tổn thương thêm cho các khớp.
- Tránh các tư thế kéo dài quá mức: Giữ một tư thế trong thời gian dài có thể gây cứng khớp và đau.
- Nghe theo cơ thể: Luôn lắng nghe cơ thể và dừng lại nếu cảm thấy đau hoặc không thoải mái.
- Nói “không” với đau: Tránh những tư thế gây đau đớn trong khi tập luyện.
Yoga Trị Liệu Dành Cho Viêm Khớp Dạng Thấp
Yoga có thể giúp cải thiện sự linh hoạt, giảm đau và tăng cường sức mạnh cơ bắp quanh khớp. Dưới đây là một số lưu ý phù hợp để tập Yoga cho người bị viêm khớp dạng thấp:
- Khi không xuất hiện bất cứ cơn đau cấp tính nào, tất cả những chuyển động và tập luyện không đều được khuyến khích. Điều quan trọng là chúng ta nên tập luyện các chiều chuyển động của khớp để duy trì sức khỏe xương khớp và tính linh hoạt của khớp.
- Hãy tập trung vào những mục tiêu sau: Tăng cường sức mạnh và sức bền, rèn luyện những bài tập phối hợp (coordination) và sự thăng bằng.
- Kéo dài hơi thở ra: chú trọng vào kỹ thuật kéo dài hơi thở ra để làm thư thái hệ thần kinh tự động và tạo ra cảm giác thư giãn.
- Yoga Nidra và thiền về đau: thiền về đau và đưa hơi thở đến những vị trí đau là những phương pháp giúp ta quan sát nỗi đau như chứng nhân. Thiền sư Daaji đã viết trong cuốn sách “Heartfulness” về nỗi đau như sau:
“Khi ta quan sát nỗi đau, thì nỗi đau dường như cũng không còn đau mấy nữa”
Gửi vô vàn yêu thương
Ngọc Ánh.