Abhiniveshah – Sao ta sợ cái chết?
Trong tác phẩm kinh điển „Hai Số Phận“ (tác giả Jeffrey Archer) có đề cập đến dòng cảm xúc của Kane, một người đàn ông cực kỳ thành đạt và quyền lực của phố Wall, sau khi người bạn thân nhất của ông ra đi. Sự mất đi người mà mình yêu thương thì đối với ai cũng khó khăn cả, dù cho đó là một người nghèo khổ hay giàu có đi chăng nữa! Khi đọc đến đoạn ông trở nên lo sợ sẽ mất đi những người yêu thương bên cạnh đến mức „ngồi ngắm vợ ông ngủ“ vì ông sợ mất bà, lúc đó mình chưa thực sự hiểu cảm giác này lắm, cho đến khi …
Vào ngày sinh nhật lần thứ 37 của mình, mình đã phải đón nhận tin một người mình thương rất thương qua đời! Ai rồi cũng phải nếm trải sự mất mát này, và điều này là hiển nhiên – không có ngoại lệ. Sự khốn khổ mất đi người mình thương yêu khiến cho mình rơi vào cảm giác „sợ mất người còn lại“. Thật sự mình đã khẽ mở cửa phòng để kiểm tra xem người bạn đời của mình có còn thở không khi thấy anh chưa thức dậy vào buổi sáng, ban đêm khi ngủ mình cũng ráng nghe xem người nằm bên cạnh mình có còn thở hay không? Nó là một kiểu ám ảnh sợ mất mát! Viết đến đây thì mình rất nhớ bé Bon, một người bạn mình rất thương, đã ra đi vào tháng 9 năm ngoái. Nó cũng thường nói với mình rằng „trải qua cảm giác mất đi người mình thương rồi thì chúng ta sẽ sợ mất mát lắm“. Mình sợ mất mát, dù mình sợ hay không sợ – sao cũng được, cái chết nó cũng chẳng thèm quan tâm đến mình, nó chắc chắn sẽ đến với sự bảo đảm tuyệt đối. Đã sinh ra trên cõi đời này thì ta đã được định rằng phải đi đến cái chết. Đó là chân lý rồi.
Trong kinh Yoga có nói về một thuật ngữ „abhiniveshah“, nghĩa là sự bám víu mãnh liệt vào cuộc sống và sợ chết. Nó biểu hiện qua nỗi sợ hãi mất đi sự tồn tại của bản thân, sợ hãi cái chết, và sự lo lắng về tương lai không chắc chắn. Chúng ta run rẩy trước cái chết, nhưng không ai có thể tránh khỏi cái kết này. Nếu đã biết trước cai kết giống nhau này, vậy sao ta lại sợ hãi? Có gì đó nghịch lý, có gì đó vừa hiển nhiên mà lại khó chấp nhận, và chúng ta né tránh nói về Sự Thật này.
Bạn có bao giờ tự hỏi chính mình rằng:
„nếu đây là ngày cuối cùng trong cuộc đời tôi, thế thì, tôi đã sống cuộc sống tôi muốn chưa?
Hay là:
„tôi đã để cho cuộc đời trôi xuống cống rồi, nó thối nát và chỉ toàn là tiếc nuối cùng với „giá như“…
Câu hỏi chúng ta có thể tự đặt ra cho mình là:
Tại sao chúng ta run rẩy trước cái chết, mặc dù chúng ta chưa trải qua cái chết?
Cho đến giờ phút này, mình nhận ra rằng, một phần lớn của nỗi sợ này bắt nguồn từ sự đau khổ khi chúng ta mất đi người mình thương yêu, nó thiên về thế giới nội tâm và sự thổn thức của trái tim. Mình đang trong quá trình học và đi tìm câu trả lời cho chính mình. Mỗi chúng ta đều phải tự mình đi tìm câu trả lời cho chính mình, bạn có nghĩ vậy không?
Xin phép trích dẫn lời nói mang tính chữa lành của nhà huyền môn Rumi:
„Đừng buồn. Bất cứ điều gì bạn mất đi đều quay lại dưới một hình thức khác“.
Gửi vô vàn yêu thương
Ngọc Ánh.